TIN TỨC
Thủ tướng chỉ đạo tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 do HSU tổ chức
Ngày 12-4, Diễn đàn nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019 do Trường Đại học Hoa Sen (HSU) phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Dinh thống nhất với chủ đề "Đổi mới Đào tạo Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn".
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác các trường đại học tại TP.HCM trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Trong khuôn khổ Diễn đàn có Phần ký kết liên kết hợp tác giữa 9 trường đại học tại TP.HCM như: Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Kinh tế - Luật; cùng phần ký kết giữa Trường Đại học Hoa Sen và các đối tác lớn, tiêu biểu như: Tập đoàn Accor, Tập đoàn Marriott, Viettravel, Vinpearl…
Ký kết hợp tác chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa Trường Đại học Hoa Sen và các đối tác doanh nghiệp.
Thủ tướng quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam
Đến tham dự diễn đàn có sự hiện diện của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chỉnh phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (trái) tham dự sự kiện.
Bên cạnh đó có sự tham gia của ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM - chủ trì diễn đàn; ông Lê Quang Tùng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.
Lãnh đạo UBND của các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; đại diện Sở VHTTDL, Sở Du lịch của các tỉnh thành, các chuyên gia về du lịch trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí, truyền thông và các đơn vị tài trợ: Công ty Cổ phần Vinpearl - Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)… cũng tham gia vào diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại sự kiện.
Thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo
Các đề tài tham luận và thảo luận tại Diễn đàn 2019 xoay quanh các nội dung: Thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phiên thảo luận với các chủ đề: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch.
Toàn cảnh diễn đàn diễn ra tại hội trường Thống Nhất, dinh Độc Lập.
Trong đó, phần phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thu hút sự quan tâm của hơn 300 khách mời. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn để lắng nghe ý kiến đa chiều về chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng: “Cách đây 30 năm, TP.HCM có trường du lịch rất nổi tiếng, ai học ra thì làm nghề rất giỏi. Học và hành, các trường hiện nay có đặt yêu cầu đó không? Địa phương và các trường phải giải quyết được vấn đề này. Mô hình công ty của trường này là một hình thức rất cần thiết. Nếu làm trường học mà không có thực hành thì rất xa vời với cơ hội nghề nghiệp. Nhìn phong cách phục vụ, người hướng dẫn viên là biết có được đào tạo tốt hay không”.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Con người là yếu tố tiên quyết
Thủ tướng nêu 3 chữ "C" để đưa du lịch thành ngành kinh tế đột phá, bao gồm: Con người - Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp khách du lịch, đặc biệt người dân bản địa tại địa phương; Cơ sở hạ tầng - Hạ tầng du lịch, kết nối giao thông, điện tử; Chiến lược - Làm gì cũng phải có bước đi trước sau, tầm nhìn dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm cùng các ngành khác để cân bằng văn hóa, kinh tế, môi trường. Đặc biệt là vấn đề đào tạo để nguồn nhân lực không thừa thiếu, số lượng đi cùng chất lượng để phát triển du lịch Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện.
Cùng nỗi trăn trở về nhân lực chất lượng cho du lịch, GS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo. Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị linh hoạt về mã ngành, phối hợp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái đào tạo, tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành sư phạm, ngành khác... sang ngành du lịch; đào tạo gắn liền thực tiễn...
Bên cạnh đó Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ ngành sắp xếp lại cơ sở đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Nếu không thì mỗi sinh viên đầu ra theo một chuẩn, rất khó tham gia thị trường. Việc rà soát lại để gắn cơ sở đào tạo với vùng phát triển du lịch để tạo điều kiện sinh viên học và hành tại chỗ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại sự kiện.
Bộ cũng sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định tới đây sẽ tiếp tục cùng các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp có các ý kiến thiết kế định hướng chương trình tạo động lực cho sinh viên, nhiều nguồn lực tham gia. Từ đó tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng không công nhận lẫn nhau.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM trình bày tham luận tại diễn đàn.
NGƯT.GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen trình bày tham luận tại chương trình.
Ông Benjamin Garcia - Đại diện khách sạn - nhà hàng Vatel International (Pháp) phát biểu tại diễn đàn.
Củng cố khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng khái niệm nhân lực chất lượng cao, không thể gói trong khuôn khổ đại học cao đẳng, mà phải mở ra nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế nói ngoại ngữ ít được đào tạo.
"Lấy ví dụ ở các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng... có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Chuyện này là một lãng phí rất lớn", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel chia sẻ.
Chất lượng đầu vào của sinh viên là yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định. Không phải là sinh viên tốt nghiệp trường giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Do đó, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist khẳng định, bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist phát biểu tại diễn đàn.
Tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết liên kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các trường đại học tại TP.HCM. Ngoài ra, Trường Đại học Hoa Sen cũng thực hiện Lễ ký kết hợp tác với các đối tác Vingroup, Marriott, Vietravel, De Art với sự chứng kiến của các lãnh đạo ban ngành địa phương.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo ban, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (trái) Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM và GS.TS Mai Hồng Quỳ (phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen điều hành phiên thảo luận chung.
Ông Bùi Xuân Phong, thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen chia sẻ ý kiến tại diễn đàn.
Đại diện Ban tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019.
TS. Nguyễn Cao Trí, đại diện Capella Holdings phát biểu tại sự kiện.
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phát biểu bế mạc diễn đàn.
BAN TRUYỀN THÔNG – THƯƠNG HIỆU