TIN TỨC
NHG đề xuất định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam
Tọa đàm tham vấn chuyên gia về “Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam” do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) vào chiều 6-5.
Nhằm khảo sát, đánh giá hoạt động giáo dục tư thục, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong tương lai cũng như chuẩn bị cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới (Tháng 6-2019); tọa đàm quy tụ gần 30 chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín trong lĩnh vực giáo dục tư thục để ghi nhận những ý kiến đóng góp thực tiễn.
Tọa đàm tham vấn chuyên gia về “Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam” diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU).
Đôi cánh tư thục – công lập
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng giáo dục tư thục rất quan trọng; nó cùng với công lập được xem là hai cánh của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Từ năm 1986 đến nay, giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu trong các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, hiện nay đôi cánh công lập chiếm đến 84% còn đôi cánh tư thục chỉ có 16%.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
Cũng theo ông, với nhận thức của xã hội và hệ thống pháp luật đang hình thành, những hành lang pháp lý đang tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển.Ông nhận định: “Hiện nay đã có những dấu hiệu tốt trong giáo dục tư thục, nhưng cũng cần đặt ra yêu cầu là giáo dục tư thục cần làm gì, có cái gì để phát triển hơn nữa”.
Đáp lời câu hỏi của ông Bình, PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc phát triển khối đại học Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, cho rằng chất lượng giáo dục công lập chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và vẫn còn tụt hậu so với sự phát triển của giáo dục thế giới. Do đó, cần phải đẩy mạnh giáo dục tư thục phát triển.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Giáo dục tư thục nhiều lợi thế
Thầy Cần cho rằng một trong những lợi thế của giáo dục tư thục là “suất đầu tư đơn vị thường cao nên dịch vụ giáo dục tư thục có chất lượng cao hơn”.
Từ đó, ông chỉ ra hai hướng phát triển của giáo dục tư thục hiện nay: Hướng thứ nhất là đại chúng - các trường tư thục góp phần tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng được học tùy theo điều kiện, năng lực của bản thân. Hướng thứ hai là đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế - các trường đưa các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới về Việt Nam.
PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng sự linh hoạt trong điều hành, quản lý giúp giáo dục tư thục tiếp cận nhanh sự phát triển của thị trường lao động cũng như trình độ giáo dục thế giới.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. Đại học bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là đại học của đại chúng. Do đó, trường công lập đã hết sức cố gắng nhưng để cung cấp một nguồn nhân lực lớn như hiện nay là không thể và cần phải giao nhiệm vụ này cho trường tư. Cơ hội này là phải đầu tư, nhà đầu tư hết sức vất vả và khó khăn, phải tự thân mọi thứ.
Cạnh tranh trên chất lượng giáo dục
“Vì vậy, sự công bằng và cạnh tranh phải dựa trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rành ròi được trường mạnh, trường yếu. Mô hình tam giác có 3 đỉnh (Đại học - Công nghiệp - Chính phủ), 3 cái này phải hài hòa sẽ giúp cho đại học phát triển. Nhưng hiện nay trường tư chỉ thiếu ở đỉnh Chính phủ (các chính sách). Nếu có được đỉnh thứ 3 thì trường tư không ngại gì nữa vì mỗi bên có một hướng phát triển riêng”.
PGS.TS Hồ Thanh Phong (phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tin rằng “tương lai đại học tư thục phát triển mạnh mẽ vì được tự chủ”.
GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: Nếu các trường đại học tư thục đã tự khẳng định được chất lượng, thì cách tiếp cận quản lý giáo dục tư thục phải thay đổi. “Thay đổi quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, tính tự chủ đại học hiện nay cao, nhưng chưa yên tâm”, GS.TS Mai Hồng Quỳ chia sẻ.
TS Hà Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng: “Vai trò vị trí của Ủy ban rất quan trọng trong phát triển giáo dục tư thục. Tại sao giáo dục phổ thông của chúng ta tương đối ổn và được đánh giá cao trên thế giới trong khi giáo dục đại học thì không? Do đó, cần chấn chỉnh giáo dục đại học và tháo gỡ nhiều khó khăn về chương trình, đất đai, tuyển sinh…”.
Tọa đàm quy tụ gần 30 chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín trong lĩnh vực giáo dục tư thục để ghi nhận những ý kiến đóng góp thực tiễn.
Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng là một trong những đơn vị hàng đầu có hệ thống giáo dục tư thục lớn mạnh từ mầm non đến đại học với quy mô rộng hơn 65.000 học sinh – sinh viên và 50 cơ sở giáo dục trên 16 tỉnh, thành phố. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong quản trị giáo dục tư thục, đội ngũ nhà giáo dục, chuyên gia cấp cao của Tập đoàn không ngừng đóng góp, chia sẻ và kiến tạo những giá trị tích cực cho nền giáo dục nước nhà.
BAN TRUYỀN THÔNG – THƯƠNG HIỆU