TIN TỨC
90% học sinh các trường thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng thích học online
Tất cả các trường thuộc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) sẽ tiếp tục duy trì, phát triển hình thức giao tiếp trực tuyến, phương pháp học online. Các phương pháp này sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, ngay cả sau khi hết dịch Covid-19, học sinh trở lại học bình thường.
“Hình thức giao tiếp trực tuyến vẫn sẽ được dùng, để giúp học trò học và ôn bài ở nhà, giúp kết nối phụ huynh với việc học của học trò, kết nối phụ huynh với nhà trường. Không chỉ là buổi họp phụ huynh với nhà trường, mà thường ngày các bậc phụ huynh có thể tham gia cùng con việc học và kết nối với thầy cô giáo, để kiểm soát việc học của con tốt hơn” – tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc NHG chia sẻ.
Thầy Trần Đức Quân của iSchool Hà Tĩnh trong một tiết dạy học online
Giữ sợi dây kết nối gia đình - nhà trường - cộng đồng
Trong thời gian “ngừng đến trường – không dừng việc học” để kiểm soát dịch bệnh, các trường từ mầm non đến lớp 12 (K-12) thuộc hệ thống giáo dục NHG như iSchool, UKA, SNA…vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng học tập của học sinh qua hình thức dạy học trực tuyến 100% theo thời khóa biểu.
Học sinh học gần như đầy đủ các môn trong chương trình học, trừ các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thí nghiệm thông qua bộ Microsoft 365, và các công cụ khác như Skype, iPortal, ManageBac. Theo đánh giá khảo sát sơ bộ, phụ huynh và học sinh các trường trong hệ thống đều phản hồi tích cực về chương trình học online trong thời gian vừa qua.
Trong đó, 90% học sinh được tham gia học trực tuyến, trường nhiều nhất là 100% và ít nhất là 80% học sinh tham gia đầy đủ. Theo báo cáo của các trường, đánh giá của các thầy cô, thì học sinh nắm bài được tương đối tốt, mở ra một hướng tốt để duy trì việc học online trong tương lai.
Về tổ chức dạy học, các trường đã chủ động điều chỉnh chương trình, sắp xếp thời khóa biểu cụ thể cho từng lớp, và thông báo cụ thể đến phụ huynh và học sinh. Đội ngũ giáo viên khối K-12 NHG còn dành thời gian tương tác với học sinh mọi lúc, mọi nơi, công suất làm việc gấp nhiều lần ngày thường.
Học sinh Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) trong một tiết học online.
Sau giờ dạy, giáo viên thiết kế các trò chơi, hoặc bài kiểm tra trắc nghiệm (soạn trên Microsoft Form) để nắm sự hiểu bài của học sinh, điều chỉnh cho tiết dạy sau, kịp thời chấm, trả bài và hỗ trợ học sinh thông qua các phương tiện khác như: Facebook, Zalo, Messenger.
Về nội dung học tập, đến nay, gần như 100% các môn học đã được đưa vào chương trình một cách hợp lý, để học sinh không cảm thấy bị áp lực. Từ các môn học có tầm quan trọng lớn như Toán, Văn/tiếng Việt, tiếng Anh đến các môn có nhiều kiến thức xã hội lý thú như Sử, Địa, Khoa học, kể cả các nội dung năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, STEM, Giá trị kỹ năng sống cũng được lồng ghép thông qua các thử thách, trải nghiệm.
Sử dụng hiệu quả thời gian ở trường
Trong đó, nổi bật là hệ thống Trường Hội nhập Quốc tế iSchool đã tạo nên những điểm sáng trong mô hình “học tập phục vụ” (service learning), được thể hiện rõ nét trong thời gian triển khai đào tạo online 100%, điển hình như: tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động mang tên “Staying home but drawing”, điều chế thành công nước rửa tay khô Nano bạc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, làm video bằng hai ngôn ngữ để tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19…
“Giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam với bạn bè thế giới qua ứng dụng Skype”, dự án “Ô nhiễm trắng – thực trạng và giải pháp”… Đặc biệt, để cập nhật tiến độ học tập trong quá trình học tập từ xa đến với phụ huynh một cách đầy đủ, Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) đã tổ chức thành công cuộc họp trực tuyến cho tất cả các khối lớp giữa phụ huynh, giáo viên.
Mục đích của việc này cũng vẫn giữ nguyên đặc tính đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhưng học sinh có quyền được thảo luận, đưa ra ý kiến của mình hơn so với cuộc họp phụ huynh truyền thống. Cuộc họp trực tuyến diễn ra cả ngày, có thể đăng nhập mọi lúc, nên phụ huynh có đủ thời gian để tìm hiểu thêm về tiến độ học tập của các con, mà không cần phải chạy đua với thời gian.
Bên cạnh đó, giáo viên SNA trao đổi thường xuyên với học sinh qua email hoặc ManageBac. Hiệu trưởng nhà trường – thầy Simon Lee cập nhật thông tin, phối hợp với phụ huynh bằng email hàng tuần.
Các trường tăng cường tương tác giữa thầy cô với phụ huynh, học sinh.
Cô Erica Arce – chuyên viên phúc lợi học đường đã cung cấp một số nguồn tài liệu về tâm lý, để giúp phụ huynh và học sinh kiểm soát sự lo lắng, căng thẳng và điều chỉnh thói quen hàng ngày, khi trải nghiệm học tập trực tuyến do dịch bệnh.
“Như vậy, Nguyễn Hoàng dự tính năm tới đây thì các thầy cô phải làm việc nhiều hơn, để ngoài việc dạy trên lớp, thầy cô còn giao bài tập, bài đọc về nhà, có thể đánh giá nhận xét trên đó để phụ huynh khi vào trên đó thấy được sự tương tác giữa thầy và trò hàng ngày.
Đó là một phần giúp xây dựng cho các em các kỹ năng tự học, quản lý tổ chức giờ giấc ở nhà, và sau này các em sẽ trưởng thành hơn” – tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường chia sẻ. Nếu có điều kiện, các em có thể tham gia vào các khóa học trực tuyến khác ở tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, và như vậy, các em có thể mở rộng hiểu biết, chủ động du học tại chỗ với chương trình phù hợp với mong muốn của các em.
Như vậy, thời gian ở trường sẽ được sử dụng hiệu quả hơn dành cho việc gặp gỡ, hoạt động giáo dục giữa thầy và trò hiệu quả hơn.
VIỆT DŨNG (giaoduc.net)