Skip to main content

TIN TỨC

Ươm mầm nhân lực xanh

01/02/2024

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp với việc chuyển hướng sang phát triển bền vững là một trong những rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Nắm bắt được xu thế này từ sớm, Trường Đại học Gia Định (GDU) hướng đến là nơi cung ứng nguồn nhân lực “xanh” cho nền kinh tế.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định về định hướng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

ESG_GDU
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định

Trở thành đại học đại chúng

GDU đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học đại chúng có quy mô sinh viên, học viên trong top 5 các trường đại học tư thục trên cả nước. Ông có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu này?

PGS.TS Thái Bá Cần: Lịch sử phát triển thời kỳ đầu của đại học là tinh hoa nhưng gần đây số lượng người được học đại học tăng nhanh. Đơn cử như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… người trong độ tuổi được học đại học chiếm đến 70%. Do đó, đại học đã dần chuyển qua đại chúng chứ không còn tinh hoa như xuất xứ của nó nữa. Dễ hiểu hơn, đại học đại chúng có nghĩa là nhiều người được học đại học.

GDU cũng lấy tiêu chí đại học đại chúng, tức là nơi cung cấp giáo dục đại học cho số đông. GDU lựa chọn chương trình đào tạo mang tính chất phổ biến, đại chúng, số đông tham gia được.

“Tham gia được” ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là yêu cầu đầu vào không quá cao và đào tạo ra lực lượng lao động phổ biến chứ không phải thiên về nghiên cứu. Thứ hai, GDU mặc dù là trường tư nhưng đưa ra giải pháp chi phí đào tạo thấp nhất để nhiều đối tượng được học đại học.

Từ định hướng đó, trường cố gắng phát triển nhanh để trong thời gian ngắn có thể cung cấp lực lượng lao động lớn cho đất nước. Do đó, trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nằm trong top 5 trường tư thục có lượng sinh viên lớn nhất.

Trên thế giới có nhiều trường có số lượng sinh viên hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu (Indira Gandhi University, Ấn Độ; Đại học Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ,…)

Những cựu sinh viên từng học ở GDU vẫn tự hào rằng, trường chú trọng nhiều vào môi trường thực hành; được gặp gỡ doanh nghiệp, chuyên gia sớm. Hiện nay, GDU đang hợp tác với ngành nghề, doanh nghiệp nào?

PGS.TS Thái Bá Cần: Ở GDU có khẩu hiệu là: sinh viên Gia Định “giỏi tiếng Anh, thành thạo việc”. Tức là trường đào tạo cho sinh viên đầu tiên phải giỏi tiếng Anh, bởi vì ngôn ngữ là phương tiện giúp các em khi đi làm việc sẽ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, từ đó công việc mới tốt được.

Còn “thành thạo việc” thì ở GDU sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất, để biết nơi làm việc sau này như thế nào. Việc tiếp xúc sớm, biết trước nơi làm việc sau này sẽ giúp sinh viên biết phải học như thế nào, từ đó sẽ có thái độ học tập tốt hơn.

Hiện nay trường có 17 ngành chủ yếu thuộc ba lĩnh vực: công nghệ thông tin, kinh tế quản trị và khoa học xã hội nhân văn. Một số doanh nghiệp đang có quan hệ chặt chẽ với trường như Mobifone trong môn công nghệ thông tin; Tân Cảng, các sân bay với môn logistics. Vừa qua, trường cũng đưa hơn 1.000 sinh viên đến các doanh nghiệp tham quan, kiến tập và sau khi về đều có phản hồi tích cực.

Trước khi vào học các môn chuyên ngành, GDU có môn học “Nhập môn ngành” để giới thiệu tất cả vấn đề liên quan đến ngành mà sinh viên chuẩn bị học.

Không mở ngành theo phong trào

Mục tiêu đến năm 2028, GDU có 30 ngành đào tạo, vậy trong đó có ngành đang được coi là “hot” như bán dẫn không?

PGS.TS Thái Bá Cần: Thời gian qua có thông tin cho rằng Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất chip. Tuy nhiên, trong công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành mới này thì tùy thế mạnh từng trường đại học xem có nên tham gia không.

ESG_GDU
Khuôn viên Trường Đại học Gia Định. 

Quan điểm của tôi là không chạy theo phong trào, do đó trước mắt chưa đào tạo ngành bán dẫn, thiết kế chip bởi vì GDU không có điều kiện về cơ sở vật chất, lịch sử cũng như kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực này. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng mỗi trường nên phát huy thế mạnh riêng của trường mình thì kết quả đào tạo sẽ tốt hơn.

Vậy GDU sẽ chọn ngành nào làm thế mạnh của mình?

PGS.TS Thái Bá Cần: Sự chuyển động của nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay cho thấy chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) là tất yếu. Do đó, một trong những hướng đào tạo về kỹ thuật hiện nay và sắp tới của GDU là phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin ở đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn bao gồm các ngành khoa học phát triển dựa trên nền tảng logic chặt chẽ như: hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, đồ hoạ máy tính,… và các ngành khoa học dựa trên nền tảng logic mở như AI, IoT,…

Trong tương lai, AI có thể thay thế con người làm nhiều việc. Vậy câu hỏi đặt ra là con người sẽ làm gì? Theo tôi thì chính con người sẽ sản xuất ra, vận hành, bảo trì và dạy nó làm việc theo ý mình, phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Xu hướng phát triển AI bao gồm tạo ra AI và sử dụng AI. Trong đó, tạo ra AI thì khó và cần có đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân lực nên trường sẽ tập trung vào đào tạo ra những người thành thạo trong việc sử dụng AI.

Một hướng nữa mà trường sẽ làm đó là khoa học con người. Từ trước đến nay chúng ta chỉ mới quan tâm đến sức khỏe con người về mặt thể chất nên phát triển ngành Y. Trong thế giới hiện đại, cuộc sống của con người cần phải chăm sóc nhiều thứ không kém phần quan trọng so với sức khỏe thể chất. Đây là lĩnh vực mà ở Việt Nam còn thiếu và yếu.

Cung cấp nguồn nhân lực “xanh”

Năm 2021, tại Hội nghị COP26 Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 (“Net Zero”) vào năm 2050. Thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị) bắt đầu nhận được sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và thực hành thực tiễn của doanh nghiệp. GDU có chiến lược gì để nâng cao nhận thức và chuyên môn cho sinh viên về thực hành ESG nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường lao động?

PGS.TS Thái Bá Cần: Khái niệm ESG đang ngày càng phổ biến và nhiều nước đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn ESG khi nhập khẩu hàng hoá, do đó, việc trang bị nhận thức cho sinh viên cũng trở nên cấp thiết hơn. Đối với GDU, chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh chương trình các môn học để nội dung các môn học đều phải đề cập đến ESG.

Chẳng hạn như khi đi đầu tư thì cũng cần tìm kiếm những doanh nghiệp nào đang thực hành ESG tốt, có trách nhiệm với xã hội sẽ mang lại giá trị hơn. Do đó, môn học kinh tế cũng phải đưa khái niệm ESG vào để sinh viên hiểu và có kiến thức.

ESG_GDU
GDU sẽ điều chỉnh chương trình để nội dung các môn học đều phải đề cập đến ESG.

Hay việc sử dụng năng lượng tái tạo, không chỉ những đơn vị xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời mới thực hiện kinh tế xanh, mà ở phía người tiêu dùng cũng phải có ý thức sử dụng năng lượng xanh thay vì sử dụng năng lượng hoá thạch.

Ở một số nước, khi đưa bảng hợp đồng sử dụng điện ký kết với người tiêu dùng sẽ có các lựa chọn là dùng điện hạt nhân, điện sử dụng năng lượng hoá thạch hay điện năng lượng tái tạo. Khi chọn sử dụng năng lượng tái tạo thì giá sẽ cao hơn điện hoá thạch nhưng đổi lại hành động đó sẽ giúp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng có được nhận thức như vậy thì đòi hỏi ý thức phải được xây dựng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giảng đường.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hành ESG đều rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực phù hợp và có đủ chuyên môn để thực hiện. Với định hướng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp và thị trường, GDU đã chuẩn bị như thế nào?

PGS.TS Thái Bá Cần: Như đã nói ở trên, ESG theo tôi hiểu không phải là một bộ môn khoa học độc lập mà là những tiêu chuẩn khung đánh giá các khía cạnh về môi trường, xã hội và quản trị nên cần phải đưa những kiến thức này vào tất cả ngành học.

Đơn cử như việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác thuỷ sản ở Việt Nam, tức trong thực hành ESG có thể hiểu là đây là vấn đề xã hội, phải tôn trọng pháp luật chung. Do đó trong quá trình đào tạo một kỹ sư thuỷ sản, một doanh nhân làm nghề chế biến thuỷ sản phải cung cấp kiến thức cho họ biết không đánh bắt cá trong vùng cấm, không đánh bắt cá khi vào vụ sinh sản,v.v...

Với vai trò là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, GDU cũng sẽ cố gắng trang bị cho tất cả sinh viên những kiến thức đó, để khi ra trường vào từng việc cụ thể họ có thể nhận biết và hành động đúng đắn, có trách nhiệm. Còn để đào tạo những nhân sự chuyên về thực hành ESG, có thể trong tương lai GDU sẽ có chuyên ngành về quản trị ESG.

GDU luôn hướng đến cung ứng nhân lực “xanh” cho doanh nghiệp, xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo TheLeader