Skip to main content

TIN TỨC

NHG tổ chức mạn đàm tương lai của giáo dục đại học

05/09/2019

Sáng 5-9, nhằm thiết lập, mở rộng các diễn đàn giáo dục cũng như để gia tăng cộng hưởng giá trị tri thức cho hệ thống, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) phối hợp kênh truyền hình FBNC kết nối các chuyên gia tổ chức buổi mạn đàm “Đại học Việt Nam – Hội nhập & Phát triển”, chia sẻ những tầm nhìn - gồm cả cơ hội và thách thức cho tương lai giáo dục đại học Việt Nam.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Diễn giả và khách mời nổi tiếng” của NHG, với sự tham gia của 200 giảng viên, cán bộ quản trị các trường đại học trong khối đại học NHG, và một số khách mời khác là những người quan tâm lĩnh vực giáo dục đại học đến từ các trường đại học.

Man Dam

Từ trái qua phải: TS. Trần Đức Cảnh (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nguồn nhân lực, ThS Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, TS. Phạm Thị Ly, Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nguồn nhân lực và ông Bùi Văn, Giám đốc FBNC.

Sứ mạng của giáo dục Việt Nam

Dưới sự dẫn dắt của ông Bùi Văn, Giám đốc FBNC, các diễn giả bao gồm - TS. Phạm Thị Ly và TS. Trần Đức Cảnh (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nguồn nhân lực và ThS Đàm Bích Thủy, Đại học Fulbright Việt Nam - đã chia sẻ các nội dung về tương lai của giáo dục đại học Việt Nam như: Khuynh hướng và hội nhập; Triển vọng đại học tư thục; Hướng phát triển không vì lợi nhuận; Xu hướng quốc tế hóa và đại học Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Pham Thi Ly

TS. Phạm Thị Ly (thứ ba từ trái qua) cho rằng trường đại học cần cho thấy sứ mệnh và những giá trị mình theo đuổi để có được lòng tin của xã hội.

Theo TS, Phạm Thị Ly, bối cảnh và lịch sử phát triển của giáo dục đại học tư thục có thể tạm chia làm 4 giai đoạn. “Ở giai đoạn 1, từ năm 1975 – 1988, Việt Nam không có một trường đại học tư thục nào. Giai đoạn 2 từ năm 1988 – 2000 có thể gọi là giai đoạn ‘dân lập’, giáo dục không còn là độc quyền của nhà nước và các nhà làm chính sách bắt đầu thay đổi cách tiếp cận, làm mới giáo dục theo kiểu ‘dò đá qua sông’ với sự ra đời của các trường đại học Thăng Long, Đông Đô, Văn Lang, Hùng Vương… Những người thành lập là những nhà giáo có uy tín nên quy trình quản trị không khác nhiều so với trường công. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2000 – 2013 có thể gọi là giai đoạn ‘tư thục’, trường tư được công nhận hoàn toàn về phương diện pháp lý và có sự tham gia của giới đầu tư chuyên nghiệp, ví dụ điển hình là trường đại học RMIT, FPT hay Nguyễn Tất Thành. Giai đoạn cuối cùng là từ năm 2014 đến nay, đánh dấu bằng hiện tượng mua bán sát nhập (M&A) trường đại học”. Quá trình này cho thấy diễn tiến của giáo dục đại học tư ở Việt Nam tuân theo một xu hướng nhất quán là xã hội hóa.

Tran Xuan Thao
TS. Trần Xuân Thảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển giáo dục NHG cho rằng “kết nối, tương tác và chia sẻ nghĩa là giáo dục, và NHG sẽ tạo lập nhiều diễn đàn và kết nối các chuyên gia để trao đổi và chia sẻ nhiều hơn trong tương lai”.

Giáo dục vì mục tiêu giáo dục

Quản trị đại học trong cơ chế tự chủ về tài chính và học thuật là yếu tố quan trọng đối với các trường đại học. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang tác động đến tư duy truyền thống, trường đại học hiện đang là nơi thay đổi chậm nhất so với các lĩnh vực khác của xã hội. Chúng ta không thể phát triển mà không có hội nhập, quốc tế hóa là con đường để các trường đại học theo đuổi những giá trị của mình”, TS. Trần Đức Cảnh nhận định.

ThS Đàm Bích Thủy cho biết: “Ở phương Tây, giáo dục đại học tư thục vẫn chủ yếu là không vì lợi nhuận. Nhưng những giáo sư ở Đại học Harvard chia sẻ tâm nguyện một ngày nào đó có thể xây dựng ở Việt Nam một trường đại học khai phóng kiểu Mỹ và phi lợi nhuận. Do đó, tôi đang đi làm giáo dục, thử tìm một con đường mới, một phương pháp mới”.

Tran Duc Canh

TS. Trần Đức Cảnh cho rằng mô hình phi lợi nhuận hay hiến tặng cho các trường đại học tư có những khó khăn để phổ biến ngoài nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam.

Vậy NHG làm giáo dục vì điều gì? Trong bối cảnh các khái niệm vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, không vì lợi nhuận rất không rõ ràng và lẫn lộn, NHG đã chọn cho mình lối đi riêng. NHG làm giáo dục vì giáo dục, với quan niệm giáo dục là một dịch vụ, nhưng là dịch vụ đẳng cấp, nhân văn và có trách nhiệm.

Man Dam
Tổng quan mạn đàm “Đại học Việt Nam – Hội nhập & Phát triển” tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU).
Man Dam
Các diễn giả chia sẻ về xếp hạng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam (nguồn Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018).
 Man Dam
Khách tham dự đặt câu hỏi và cùng thảo luận với các diễn giả.

BAN TRUYỀN THÔNG - THƯƠNG HIỆU